Bà mẹ hai con ở Hưng Yên thu hàng tạ nông phẩm từ vườn rau sân thượng 40 m2

Vụ năm ngoái, nhà chị Kim Oanh thu gần 30 kg cà chua; 50 kg bí xanh, mướp đắng và nhiều rau sạch từ khu vườn mini.

Công việc bận rộn nhưng chị Dương Kim Oanh, 40 tuổi, sống tại Hưng Yên, vẫn dành thời gian cải tạo sân thượng của căn biệt thự thành nơi trồng rau sạch. Bà mẹ hai con chia sẻ, bên cạnh mong muốn mang tới cho cả nhà nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng, trồng trọt còn là niềm đam mê đặc biệt của chị.

Vườn rau sân thượng của chị Oanh rộng 40 m2, trồng đủ loại rau: bí xanh, mướp đắng, cà chua, rau muống, rau dền, rau đay; và nhiều giống rau gia vị: húng bạc hà, kinh giới, húng quế...

Riêng cà chua, chị Oanh trồng tới ba loại: cà chua nhót, cà chua đen và cà chua ta, cây nào cũng sai quả.

Bà mẹ hai con có kinh nghiệm 10 năm làm vườn: 5 năm trồng rau dưới đất, 5 năm làm 'nông dân sân thượng'. Khu vườn cũ của gia đình chị Oanh phong phú nhưng do cách xa nơi ở nên chị chuyển về trồng tại nhà cho tiện chăm bón.

Quá trình cải tạo sân thượng thành khu vườn trồng rau tốn công sức và chi phí. Vợ chồng chị Kim Oanh mất nhiều ngày leo cầu thang để chuyển đất và phân bón từ sân nhà lên tầng thượng. Sau đó, anh chị sáng tạo ra cách vận chuyển bằng chiếc xô, sợi dây thừng và ròng rọc. Chị Oanh ở dưới xúc đất, ông xã chị kéo lên, giúp tiết kiệm thời gian.

Một năm là khoảng thời gian chị Oanh cật lực phủ xanh 40 m2 sân thượng. Công việc kế toán bận rộn, chị tranh thủ lúc sáng sớm và chiều tối, đôi khi cả ban đêm, để chăm sóc khu vườn.

Bà mẹ hai con ở Hưng Yên tâm sự, trồng rau trên sân thượng rất vất vả vì nắng, gió, thời tiết khắc nghiệt. Rau được trồng trong các chậu nhựa, thùng xốp nên khâu trộn đất phải đảm bảo tỷ lệ hợp lý cây mới phát triển được. 

Chị Kim Oanh quy hoạch khu vườn theo từng góc, mỗi góc là những loại rau có đặc tính sinh học, cách chăm sóc giống nhau. Những cây ưa nắng, chị đặt nơi thoáng mát. Những cây ưa bóng râm, chị Oanh trồng dưới các giàn mướp, bí xanh. 

Công thức trộn đất trồng rau của chị Oanh gồm 40% đất và 60% xơ dừa, trấu hun, trấu gà (trấu lót chuồng gà), phân bò. Sau khi trộn đất, chị dựa vào đặc tính của từng loại rau để tưới nước, bổ sung dinh dưỡng hàng ngày. Phân bón hữu cơ bà mẹ hai con tự làm từ phân gà, bã đậu, bánh dầu, phân cá, bã cà phê, nước vo gạo... Chị Kim Oanh chỉ mua thêm một lượng nhỏ phân NPK dùng cho cây ăn quả.

Khâu làm đất kỹ càng giúp khu vườn của gia đình chị Oanh hạn chế nhiều sâu bệnh. Thỉnh thoảng, chị phun dung dịch tỏi, ớt hoặc nước bồ hòn để trị một số loại sâu phổ biến. Đối với bầu, bí, mướp, chị Kim Oanh phun thuốc chống nấm khi cây con bé, lúc cây ra quả là dừng.

Sau 5 năm tích cực chăm sóc, khu vườn của chị Oanh đã đi vào quy củ, cung cấp lượng rau sạch dồi dào. 40 m2 xanh mướt là nơi mang đến cảm giác nhẹ nhõm, bình yên cho chị Oanh sau mỗi ngày làm việc căng thẳng.

10 năm trồng rau sạch là hành trình nữ kế toán tự tìm tòi, vừa học hỏi từ bạn bè, vừa trải nghiệm thực tế để rút ra kinh nghiệm. Chị Oanh từng trồng rau tại nhiều địa thế khác nhau: khai hoang đất ven đường, lấp ao làm vườn... nhưng chị thấy, trồng rau trên sân thượng là khó khăn nhất. Chị Oanh phải hạn chế nhiều thú vui của bản thân như ra ngoài gặp gỡ bạn bè, đi mua sắm... để dành toàn bộ thời gian cho khu vườn.

Tuy vậy, bà mẹ hai con tỏ ra mãn nguyện với thành quả lao động của mình. Rau sạch từ khu vườn sân thượng là nguồn thực phẩm chính trong bữa ăn của gia đình chị Oanh. Thỉnh thoảng, chị làm quà biếu cho bạn bè, người thân và đồng nghiệp.

Lam Trà



Chia sẻ bài viết này:

Bài viết liên quan: