Bộ Công thương bỏ thủ tục kiểm tra 'hành' doanh nghiệp thép
Thông tư 58 của Bộ Công thương là một trong những 'công cụ' nhằm hạn chế gian lận thương mại. Tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp thép cho rằng công cụ này có quá nhiều bất cập trong thủ tục kiểm tra chất lượng thép.
Bộ công thương quyết định bỏ thông tư 58 do bị nhiều doanh nghiệp thép phản đối
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký thông tư 18/TT-BCT với nội dung bãi bỏ gần như toàn bộ các quy định có trong thông tư 58 có hiệu lực từ ngày 31/12/2015. Đây là thông tư quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
Các doanh nghiệp cho biết, điều khiến họ bức xúc nhất trong thông tư 58/TTLT/BCT-BKHCN là quy định sản phẩm thép phải được kiểm định chất lượng tại tổ chức kiểm định được chỉ định.
Tiếp đến, sau khi kiểm định xong, doanh nghiệp còn phải đem giấy kiểm định qua Chi cục Tiêu chuẩn đo lượng chất lượng (thuộc Sở khoa học - công nghệ) mới được nhận thông báo kết quả đạt chất lượng.
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, để có thể hoàn tất các quy định trên, đối với thép nhập khẩu, các doanh nghiệp phải mất tối thiểu gần nửa tháng mới được nhận các công văn, giấy chứng nhận cần thiết do Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cơ quan hải quan cấp, sau đó mới có được tờ khai thông quan hải quan.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Bộ Công thương quyết định bãi bỏ thông tư 58 là định hướng tiến đến việc quản lý chủ động hơn cho một số ngành hàng cụ thể.
Trong đó, sẽ thay thế hình thức quản lý dưới sự điều tiết của thông tư liên tịch bằng các thông tư chỉ riêng đích danh của từng bộ, ngành. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa trách nhiệm quản lý và tiến tới cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp.