4 lỗi cần tránh khi thiết kế nhà vệ sinh

Nhà vệ sinh dù lớn hay nhỏ đều cần phải được thiết kế tiện dụng, hợp lý. Bên cạnh việc trang trí đẹp mắt, không gian trong nhà vệ sinh cần tạo được cảm giác thoải mái và riêng tư.

Dưới đây là 4 lỗi cần tránh khi thiết kế nhà vệ sinh không nên bỏ qua.

1. Nhà vệ sinh chỉ có một nguồn sáng duy nhất

Do nhà vệ sinh thường có diện tích vừa phải nên nhiều gia chủ mặc định chỉ sử dụng một nguồn sáng. Đó thường là đèn gắn trên trần nhà hoặc tường. Nhưng trên thực tế, tuy không gian hẹp nhưng nhà vệ sinh lại được sử dụng với nhiều chức năng khác nhau. Bởi vậy, bạn nên bố trí ít nhất 2 nguồn sáng:

- Đèn trần: Cường độ không quá chói nhưng vẫn phải đủ soi rọi mọi góc trong phòng.

- Đèn khu vực: Bố trí ở quanh hoặc phía trên gương giúp cho việc đánh răng, rửa mặt được tiện lợi. Nếu bạn trang điểm trong phòng tắm thì cần lựa chọn loại đèn có ánh sáng chuẩn.

Nhà vệ sinh thiếu nguồn sáng khiến việc sử dụng gặp nhiều
bất tiện. Ảnh minh họa: Freshome

2. Thông gió kém

Nhà vệ sinh hay bị bố trí ở những nơi không có cửa sổ hoặc có cửa sổ rất nhỏ. Trong khi đây lại là nơi có nhiều mùi khó chịu, ẩm ướt cần có chỗ thoát khí để giữ cho không gian được khô ráo. Nếu nhà vệ sinh thông gió kém, bạn sẽ luôn có cảm giác ngộp thở khi vào khu vực này và hơi nước sẽ tích tụ thời gian dài trên các bề mặt đồ dùng gây hư hỏng.

Phương pháp tốt nhất là bạn kết hợp được các nguồn thông gió tự nhiên và nhân tạo. Khung cửa sổ rộng sẽ không giúp ích nhiều vào mùa đông khi bạn đóng kín phòng. Bởi vậy, một chiếc quạt gió hoặc thiết bị hút mùi chất lượng tốt là điều bạn cần bổ sung cho nhà vệ sinh.

3. Vật liệu chịu nước kém

Nhà vệ sinh với bồn rửa, bồn cầu, vòi hoa sen, bồn tắm... là nơi tiếp xúc với độ ẩm nhiều nhất. Hơn nữa, gia chủ cũng sẽ phải sử dụng nhiều chất tẩy rửa mạnh để làm sạch bề mặt phòng tắm. Vì vậy, nếu bạn không cân nhắc lựa chọn vật liệu phù hợp sẽ khiến khu vực này nhanh hư hỏng, phải thay mới gạch, đồ dùng.

Bạn nên cân nhắc lựa chọn các loại vật liệu có khả năng chống chịu nước, ít bị ẩm mốc, có độ bền cao để không bị hư hỏng, hao mòn khi cọ rửa. Không nên lựa chọn các loại vật liệu có nhiều đường gờ, gấp khúc khiến nước bị đọng lại, gây ẩm mốc.

4. Thiếu chỗ để đồ

Khi thiết kế, sửa chữa nhà vệ sinh, bạn đừng quên tính tới số người sử dụng không gian này. Tránh mắc các sai lầm khi thiết kế như làm tủ đồ nhỏ chỉ vừa đủ để lượng mỹ phẩm, khăn cho một người trong khi có đông thành viên cùng sử dụng. Ngoài ra, bạn nên thiết kế các ngăn để đồ cá nhân riêng cho mỗi người.

(Theo VnExpress) 
Chia sẻ bài viết này:

Viết Bình luận