Cải tạo nhà ống trong ngõ, hẻm nhỏ trở nên dễ dàng hơn khi gia chủ nắm được bí quyết
Ai cũng có thể sở hữu một không gian sống tiện nghi, trong lành hơn nếu biết cách cải tạo với giải pháp về kiến trúc phù hợp. Đó cũng chính là lý do mà ngày càng có nhiều những căn nhà ống, dù ngụ trong những con ngõ chật hẹp nhưng vẫn khiến chúng ta bất ngờ về không gian và chất lượng sống ấn tượng.
18 House - Căn nhà ống với diện tích chỉ 18 m2 nằm sâu trong hẻm nhỏ của Sài Gòn nhưng khiến ai cũng ưa thích
Nhà ống trong hẻm – mẫu nhà ngày càng phổ biến tại các đô thị hiện nay của Việt Nam
Cùng với chung cư cao tầng, nhà ống cũng là một đặc trưng về kiến trúc nhà ở tại các đô thị lớn của Việt Nam. Đây được xem là cách giải quyết phù hợp cho nhu cầu nhà ở của người dân đô thị trong điều kiện mật độ dân cư cao, quỹ đất hạn hẹp và hệ thống đường xá, ngõ ngách phức tạp.
Diện tích sàn phổ biến của nhà ống đô thị thường không quá 100 m2
Đặc điểm của nhà ống trong hẻm là chiều sâu lớn, bề ngang hẹp và thường xây kề sát nhau, gia chủ chỉ có thể bố trí cửa sổ ở vị trí mặt tiền và sau nhà. Do vậy, lượng gió cũng như ánh sáng thu được không đủ để duy trì không khí trong lành cho cả ngôi nhà. Gia chủ thường phải sử dụng thiết bị công nghệ như điều hòa, máy lọc không khí, đèn… phụ trợ nên tiền điện chắc chắn sẽ tăng, nhất là khi vào hè. Mặt khác, thiết kế dạng ống của nhà dễ gây ra tình trạng cộng hưởng âm thanh, tiếng ồn lớn, ảnh hưởng tới chất lượng sinh hoạt của gia đình.
Diện tích xây không đủ để gia chủ đầu tư cho cảnh quan sống như sân vườn, tiểu cảnh… để tăng tính thẩm mỹ cho nhà
Những điểm bất tiện gia chủ phải đối mặt khi cải tạo nhà ống trong hẻm
Giao thông không thuận lợi để vận chuyển vật tư vào tận công trình
Đường ngõ, hẻm thường khá hẹp nên nếu vận chuyển bằng xe tải thì không thể tiến sâu vào thêm. Chưa kể quy định về tải trọng trên đường ngõ cũng không cho phép vận chuyển khối lượng vật liệu lớn đi qua. Gia chủ sẽ phải chọn giải pháp khác như xe ba gác hoặc mất thêm phí thuê nhân công cho việc này.
Chiều rộng của hẻm thường nhỏ, xe chở vật liệu sẽ khó tiến vào tận cửa nhà
Không đủ chỗ để xếp vật liệu xây dựng
Diện tích eo hẹp, không có sân hay vị trí gần bãi đất trống nên khi vật liệu chuyển vào tới nơi, tìm chỗ để sắp xếp chúng cũng là bài toán nan giải. Gia chủ có thể bàn bạc với KTS để tìm ra giải pháp thi công thích hợp với hoàn cảnh, ví dụ như hoàn thiện phần nền thô trước để xếp vật liệu rồi xây dần lên.
Ảnh hưởng tới sinh hoạt và công trình nhà hàng xóm
Vì nhà xây san sát nhau nên khi cải tạo, rất có khả năng sẽ ảnh hưởng tới phần móng, nền của nhà bên cạnh. Chưa kể tiếng động khi thi công cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sinh hoạt của các hộ xung quanh. Việc cẩn trọng khi xin phép và xin lỗi hàng xóm về sự bất tiện này sẽ dễ nhận được sự cảm thông hơn.
Trong quá trình thi công, gia chủ cần bảo đảm an toàn về người và cốt móng của những căn nhà xung quanh
Khó quan sát tổng thể công trình trong quá trình thi công
Chắc chắn bạn không thể tìm được điểm đứng hoàn hảo để quan sát rõ tổng thể công trình vì không gian không cho phép. Đó cũng là một điểm hạn chế để gia chủ nắm bắt tình hình thi công.
Giá và thời gian thi công có thể tăng
Chính những yếu tố như khó khăn trong việc vận chuyển vật tư, không gian thi công chật hẹp… nên tiến trình thi công sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, đôi khi là chậm tiến độ, dẫn tới giá nhân công tăng hơn dự kiến. Các bạn cần lên kế hoạch chi tiết và dự trù thời gian thi công trước khi tiến hành cải tạo để đạt hiệu quả tốt nhất nhé.
Thủ tục pháp lý - yếu tố quan trọng quyết định tiến trình cải tạo
Khi tiến hành cải tạo nhà, gia chủ cần phải làm hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng - sửa chữa lên UBND cấp Quận để được phê duyệt. Hồ sơ gồm có:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở (theo mẫu);
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất;
- Các bản vẽ thiết kế về giải pháp cải tạo có tỉ lệ tương ứng với bản vẽ hiện trạng của công trình (kèm ảnh chụp thực tế). Trong trường hợp ảnh hưởng tới kết cấu công trình thì phải có báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng kết cấu cũ để xác định xem có đủ điều kiện sửa chữa hay không.
Sau khi được cấp giấy, gia chủ mới được phép tiến hành cải tạo.
Trên hết, gia chủ cần chọn cho mình giải pháp cải tạo giúp tận dụng năng lượng tự nhiên phù hợp để sở hữu căn nhà ống lý tưởng
Giải pháp lấy sáng, lấy gió để tạo không gian trong lành
Nguyên tắc quan trọng nhất chính là tạo được luồng khí đối lưu trong nhà bằng cách mở những điểm thông gió hợp lý. Giếng trời, khoảng thông tầng là giải pháp được KTS và cả gia chủ chuộng dùng nhờ tận dụng tốt ưu thế về chiều sâu của nhà ống. Cùng với đó chúng ta sẽ sử dụng cửa sổ, cửa ra vào để tạo áp lực giúp khí lưu thông thuận lợi.
Vấn đề ánh sáng cũng được giải quyết nhờ khả năng khuếch tán ánh sáng tối đa của giếng trời và khoảng thông tầng, giúp căn nhà ổn định lượng sáng phù hợp.
3.5x9.9 House sở hữu không gian sống thoáng đãng nhờ ô sáng ở khu vực mặt tiền và cách bố trí ban công thông minh
Mặt tiền của Lee&Tee House được lùi lại để tạo một khoảng đệm
Căn nhà lấy sáng tốt hơn do ánh sáng được khuếch tán rộng khắp...
Và có thêm góc chơi xanh mướt cho bọn trẻ
Với cửa chớp gỗ và cách bố trí sáng tạo, không gian sống của Vegan House trở nên thoáng đãng và vô cùng thú vị
Khoảng thông tầng nhỏ giúp mở rộng không gian cho NDC House
Không gian sống của Đàm Lộc House bừng sáng nhờ giếng trời bố trí giữa nhà
Gia chủ có thể kết hợp thêm kết cấu lệch tầng để tạo thêm khoảng mở. Với gia đình có người lớn tuổi hay trẻ nhỏ, kết cấu lệch tầng còn giúp mọi người di chuyển dễ dàng và an toàn hơn do số bậc cầu thang giảm, khoảng bước ngắn hơn.
Kết cấu lệch tầng giúp Tiến's House đón được nhiều sáng, ánh sáng cũng được khuếch tán rộng hơn trong không gian
Kết nối không gian nhờ loại bỏ vách ngăn
Kích thước của bề ngang hạn chế khiến không gian nhà ống trở nên chật hẹp và ngột ngạt. Thay vì phân tách các phòng chức năng riêng biệt, chúng ta hãy thử phá bỏ vách ngăn và sắp xếp theo không gian mở để không gian thoạt trông rộng rãi hơn.
Loại bỏ vách ngăn, sử dụng lưới để thay thế trần… là giải pháp gia chủ 5x12 House lựa chọn
Không gian mở của Nhà phố anh Khánh giúp các thành viên trong nhà tương tác dễ dàng hơn
Các yếu tố “xanh” cần được lưu tâm một cách hài hòa để tạo nên không gian sống bền vững, trong lành
Thời gian gần đây, công trình xanh ngày càng được biết tới rộng khắp và ứng dụng phổ biến hơn nhờ những hiệu quả nhãn tiền và bền vững đem lại cho người dùng. Bên cạnh giải pháp tận dụng tối đa năng lượng tự nhiên, chủ nhà nên cân nhắc kết hợp những giải pháp dễ ứng dụng như: sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; đem cây xanh vào trong nhà để tăng tính thẩm mỹ và sức khỏe cho cả nhà.
Chi phí để thêm yếu tố xanh vào nhà có thể sẽ nhỉnh hơn so với biện pháp cải tạo thông thường nhưng chất lượng không gian sống lại được nâng cao gấp 2 thậm chí gấp 3. Vì sức khỏe gia đình và giá trị bền vững của tổ ấm nhỏ, gia chủ nên cân nhắc những biện pháp này khi cải tạo nhà trong ngõ, hẻm.
Gentle House gây “thương nhớ” cho người xem khi sử dụng tre nứa là vật liệu chính để tạo nên không gian sống trong lành, mát mẻ
Cây xanh chỉ là một phần nhỏ, góp phần tạo nên không gian sống chất lượng hơn. Tùy theo diện tích nhà, chúng ta sẽ khéo léo bố trí sắc xanh cây lá để tăng thêm sức sống cho tổ ấm gia đình mình. Như cách 18 House có một góc đọc sách an tĩnh
Cách lấy sáng, thêm xanh vào không gian của Small House cũng là gợi ý hay ho cho gia chủ nếu muốn không gian nhà mình thêm trong lành
Tổ ấm ruộng với giải pháp sáng tạo không chỉ đảm bảo chất lượng không khí trong nhà mà còn thêm cây xanh cho gia đình với khu vườn “ruộng bậc thang”
Sau thời gian dài sử dụng, không riêng gì nhà ống, căn nhà nào rồi cũng lộ dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng tới chất lượng sống của gia đình. Với những gợi ý về giải pháp cải tạo, lưu ý quan trọng về thủ tục pháp lý hay những điểm bất tiện gia chủ cần để tâm, hy vọng các bạn sẽ tự lên được kế hoạch chi tiết để nâng cấp ngôi nhà của mình tiện nghi và thoáng đãng hơn.
Bài viết: Thu Thủy
- 0 Bình luận