Cách xử lý vết nứt trên tường
Sau một thời gian sử dụng, tường nhà chúng ta sẽ không tránh khỏi hiện tượng nứt hoặc thấm. Nếu nhà bạn không may gặp phải tình trạng trên thì hãy tham khảo những cách xử lý vết nứt trên tường hiệu quả dưới đây.
Do đặc điểm khí hậu
Khí hậu Việt Nam có đặc điểm nóng ẩm và mưa nhiều nên không khó để bắt gặp hiện tượng nứt nẻ trần, tường và sàn nhà. Mặc dù nhìn bề ngoài tưởng chừng như đơn giản nhưng nhưng chúng lại không dễ để khắc phục chút nào. Bởi khi sửa chữa, chúng ta sử dụng các vật liệu gốc xi măng, bitum nhựa đường hay các vật liệu kém đàn hồi để xử lý thì sau một thời gian, dưới tác động của nhiệt độ, độ ẩm và nước mưa, hiện tượng này lại “tái xuất”.
Khí hậu cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình
Theo khuyến cáo của các chuyên gia xây dựng, nên sử dụng khe co giãn hoặc sơn nước đàn hồi như một cách hữu hiệu để chống nứt và xử lý vết nứt. Đây là dòng sản phẩm dùng để phủ lên bề mặt với độ đàn hồi đến 300%, đồng thời không bị lão hóa bởi tia cực tím trong ánh nắng mặt trời nên đảm bảo ngăn ngừa, hạn chế và xử lý vết nứt hiệu quả trên phạm vi diện tích lớn.
Vết nứt do thi công trát
Nếu trong quá trình thi công, người thợ xử lý không đúng kỹ thuật cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên những vết nứt chân chim trên tường. Theo thời gian, những vết nứt này càng rộng, dài và sâu hơn, đặc biệt là trong 6 tháng đầu sau khi phát hiện. Do đó, cần có biện pháp khắc phục ngay từ đầu để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Với những vết nứt nhỏ, bạn có thể sử dụng keo để hàn gắn
Mặt khác, cũng có nhiều nguyên nhân gây nên vết nứt như kỹ thuật tô tường sai, hồ vữa trộn không đều, bột trét tường giãn nở, chế độ bảo dưỡng không đúng… Do đó, các vết nứt cũng có sự khác nhau nên cần phải có cách khắc phục và xử lý riêng. Cụ thể:
Nếu tường xây xong tiến hành tô trát ngay thì sẽ dẫn đến sự chênh lệch độ ẩm giữa gạch và mạch vữa. Bên cạnh đó, mạch vữa dư thừa không được miết sạch ảnh hưởng đến lớp vữa tô, khi gặp nước mưa sẽ thấm thấu vào trong tường gây vết nứt. Do đó, lưu ý đến độ khô và phẳng của tường, đồng thời mạch vữa phải “no” và được miết sạch sau khi thi công.
Hồ tô quá nhiều nước, xi măng mác cao nên trong quá trình đông cứng gây sức căng trên bề mặt sẽ tạo nên những vết nứt. Do đó, hãy sử dụng xi măng có lượng mác thấp, đồng thời bổ sung thêm các chất phụ gia dẻo có khả năng làm giảm quá trình đông cứng.
Cát tô quá mịn hoặc hàm lượng sét trong cát lớn, gạch nung không đạt chuẩn… cũng là nguyên nhân gây vết nứt. Lời khuyên cho bạn là nên sử dụng cát hạt nhỏ và gạch ép bằng máy ép gạch không nung để hạn chế vết nứt xuất hiện trên tường.
Bỏ qua công tác chống thấm ngay từ đầu nên khi gặp mưa, trần và tường là 2 hạng mục dễ xuất hiện vết nứt nhất. Tốt nhất nên sử dụng phụ gia chống thấm trong tất cả các khâu xây dựng để đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả tình trạng thấm, nứt và ẩm mốc cho công trình.
(Theo Tuổi trẻ Online)
- 0 Bình luận