Xử lý sự cố nước mưa tràn từ tầng thượng gây hỏng đồ đạc?

Trận mưa to cách đây 1 tháng khiến cả nhà anh Hoàng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) náo loạn khi nước mưa xối thẳng từ tầng thượng xuống ướt hết các tầng dưới. Các thành viên trong nhà phải mất nguyên một ngày lau sạch nước, phơi khô đồ dùng.

Không chỉ bị ướt hết đồ đạc, phần lớn sàn gỗ công nghiệp ở tầng 3 và tầng 4 nhà anh Hoàng đều hư hỏng. Anh Hoàng buộc phải thay thế một số khu vực hết khoảng 4 triệu. Riêng tầng 2 anh lát sàn gỗ tự nhiên, sau khi ngấm nước cũng bị phồng lên, mấy hôm sau phải gọi thợ tới sửa. Cũng may anh gặp được thợ có kinh nghiệm tư vấn chỉ cần gỡ các tấm lát sàn, cắt bớt đoạn dư mới nở ra nên chi phí chỉ hết 600.000 đồng.


Sàn gỗ bị ngâm nước sẽ bong tróc, hư hỏng. Ảnh minh họa: ASD

Nguyên nhân sự cố trên của gia đình anh Hoàng là do nước trên mái không thoát kịp đã tràn qua cửa kỹ thuật xuống sân tầng 5. Sân cũng không kịp thoát nước nên nước dâng lên rồi chảy ngược vào trong nhà, đổ xuống các tầng dưới qua lối cầu thang.

Sau sự cố trên, chủ nhà mới lên mái và sân thượng kiểm tra thì phát hiện cả phễu thu nước ở hai nơi này đều bị bụi rác bịt kín, khiến nước thoát đi chậm.

Anh Hoàng cho biết, gia đình anh đã sinh sống suốt 5 năm ở ngôi nhà này, trải qua nhiều trận mưa nhưng chưa lần nào gặp sự cố tương tự. Chính vì thế, đầu mùa mưa, anh bỏ qua việc kiểm tra, vệ sinh các miệng phễu thu nên phải trả giá đắt và mất thời gian xử lý hậu quả.

cầu chắn rác
Với những nơi có nhiều rác, thay vì dùng phễu thu nước bạn
nên dùng cầu chắn rác. Ảnh: VG

Cũng trong đợt mưa lớn tháng trước, nhà anh Dũng (Gia Lâm, Hà Nội) gặp sự cố. Mưa to, lượng nước đổ xuống nhiều, ống thoát mái chảy không kịp nên tràn máng thoát, chảy lên khắp tường nhà, qua cửa sổ vào trong phòng. Dù không có sàn gỗ nhưng nước mưa đã làm giường chiếu, đồ đạc bị ướt hỏng rất nhiều. Sự cố này là do ống thoát mái không đủ và tiết diện quá nhỏ - phi 60 mm nên không thoát được hết khi mưa lớn.

Tương tự, nhiều gia đình sống trong nhà phố cũng gặp những sự cố ít lường tới nhưng để lại những hậu quả tai hại trong mùa mưa. Tuy không bị ngập nước từ bên ngoài nhưng các ngôi nhà lại bị hư hỏng đồ đạc vì nước mưa tràn từ trên mái xuống vì không làm vệ sinh phễu thoát nước hoặc đường ống thoát quá nhỏ...

Theo tư vấn của KTS Đức Anh, các vấn đề điện nước công trình cần phải tính toán đến tình huống xấu nhất, khi chịu tải nặng nhất cho hệ thống. Có thể một số tình huống hàng chục năm hoặc không bao giờ xảy ra, nhưng vẫn phải thiết kế và thi công bảo đảm sức tải.

KTS Đức Anh cũng khuyên các chủ nhà, tại các điểm thu nước trên mái, lắp cầu chắn rác sẽ tốt hơn là dùng nắp phễu thu nước để tránh bị ùn tắc do rác, bùn đất. Bên cạnh đó, cũng nên thường xuyên làm vệ sinh mái, hố ga thu nước, nhất là thời điểm đầu mùa mưa và những gia đình có trồng cây trên mái. Với việc thoát nước, nên dùng ống thu, ga thoát từ phi 90 mm trở lên, bố trí tại các điểm hợp lý trên mái.

Bên cạnh đó, ngay từ ban đầu, chủ nhà cần tính toán, thi công đúng thiết kế, dùng các loại vật liệu, thiết bị đảm bảo chất lượng, đúng chủng loại. Có thể bạn sẽ phải tốn chi phí hơn một chút nhưng bù lại, an toàn cho sử dụng lâu dài.

(Theo Vnexpress) 
Chia sẻ bài viết này:

Bài viết liên quan: